admin.sohatradings.com Open in urlscan Pro
109.106.254.112  Public Scan

URL: https://admin.sohatradings.com/
Submission: On March 01 via api from US — Scanned from US

Form analysis 0 forms found in the DOM

Text Content

Skip to content


ADMIN.SOHATRADINGS.COM

Primary Menu



XUẤT KHẨU CAO SU SANG TRUNG QUỐC TĂNG 6,6% VỀ LƯỢNG TRONG NĂM 2023

Posted on 01/03/2024 by admin

Tính chung năm 2023, Việt Nam xuất khẩu được 2,14 triệu tấn cao su, trị giá 2,89
tỷ USD, giảm 0,1% về lượng và giảm 12,8% về trị giá so với năm 2022. Trong đó
xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 6,6% về lượng.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) và Trung tâm thông tin Công nghiệp và
Thương mại, từ đầu tháng 01/2024 đến nay, giá mủ cao su nguyên liệu tại nhiều
tỉnh, thành phố trên cả nước ổn định so với cuối năm 2023.


GIÁ THU MUA CAO SU TRONG NƯỚC ĐẦU THÁNG 1/2024 DUY TRÌ ỔN ĐỊNH

Tại các công ty cao su, hiện giá thu mua mủ cao su nguyên liệu duy trì quanh mức
270-305 đồng/TSC. Trong đó, Công ty Cao su Phú Riềng giữ giá thu mua ở mức 285-
305 đồng/TSC, ổn định so với cuối tháng trước. Công ty Cao su Bình Long giữ giá
thu mua ở mức 285-295 đồng/TSC. Công ty Cao su Bà Rịa giữ giá thu mua ở mức 283-
293 đồng/TSC. Công ty Cao su Mang Yang giữ giá thu mua ở mức 270-278 đồng/TSC,
ổn định so với cuối tháng trước.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023, diện tích cây cao su trên
cả nước đạt 910,2 nghìn ha, giảm 8,4 nghìn ha so với năm 2022; sản lượng mủ cao
su khô khai thác đạt 1,29 triệu tấn, giảm 46,2 nghìn tấn so với năm 2022.

> Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, năm 2023, Việt Nam xuất khẩu
> được 2,14 triệu tấn cao su, trị giá 2,89 tỷ USD, giảm 0,1% về lượng và giảm
> 12,8% về trị giá so với năm 2022.



Về giá xuất khẩu, giá cao su xuất khẩu năm 2023 giảm mạnh so với năm 2022, bình
quân đạt 1.350 USD/tấn, giảm 12,7% so với mức giá bình quân xuất khẩu năm 2022.


TRUNG QUỐC TIẾP TỤC LÀ THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU CAO SU LỚN NHẤT CỦA VIỆT NAM

Năm 2023, Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt
Nam, chiếm 79,63% về lượng và chiếm 78,52% về trị giá trong tổng xuất khẩu cao
su của cả nước, đạt 1,7 triệu tấn, trị giá 2,27 tỷ USD, tăng 6,6% về lượng,
nhưng giảm 4,8% về trị giá so với năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân cao su sang
thị trường này ở mức 1.331 USD/tấn, giảm 10,7% so với năm 2022.

Nhìn chung, năm 2023, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang các thị trường phần lớn
đều sụt giảm so với năm 2022, nhất là các thị trường lớn như: Ấn Độ, Hoa Kỳ,
Đức, Đài Loan (Trung Quốc), Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Indonesia, Sri Lanka, Nhật Bản, Tây
Ban Nha… Tuy nhiên, xuất khẩu sang một số thị trường vẫn tăng trưởng tốt về
lượng như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Hà Lan, Singapore, Cộng hoà Séc…

Năm 2024 dự báo tiếp tục là một năm có nhiều khó khăn, thách thức trên thị
trường quốc tế, nhu cầu Trung Quốc vẫn là yếu tố chủ chốt tác động đến hoạt động
xuất khẩu cao su của Việt Nam. Thêm vào đó, những thay đổi bất lợi về thời tiết,
thị trường, giá cao su sẽ biến động khó lường.

Posted in BlogLeave a Comment on Xuất khẩu cao su sang Trung Quốc tăng 6,6% về
lượng trong năm 2023


“XANH HOÁ” NGÀNH NHỰA ĐỂ TĂNG LỢI THẾ CẠNH TRANH

Posted on 01/03/2024 by admin


THEO HIỆP HỘI NHỰA VIỆT NAM (VPA), TỐC ĐỘ TĂNG TRƯỞNG CỦA NGÀNH NHỰA SẼ LÀ 8,4%
TỪ NĂM 2023 -2028. NHU CẦU TĂNG CAO TRONG NGÀNH CÔNG NGHIỆP DỰ BÁO SẼ THÚC ĐẨY
TĂNG TRƯỞNG NGÀNH NHỰA.

Các chuyên gia cũng nhận định trong tương lai gần, nhu cầu ngày càng tăng từ
ngành xây dựng dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng thị trường nhựa.

Tăng trưởng đều nhưng vẫn phải nhập khẩu nguồn nguyên liệu

Báo cáo của VPA cho thấy, ngành nhựa có gần 4.000 doanh nghiệp trên cả nước;
trong đó, 90% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tập trung chủ yếu tại khu vực phía
Nam.

Doanh nghiệp nhựa Việt Nam đã và đang sản xuất đầy đủ các chủng loại sản phẩm
nhựa phục vụ cho tiêu dùng nội địa và thị trường xuất khẩu; trong đó, sản phẩm
nhựa Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 160 quốc gia trên thế giới và có mặt ở nhiều
thị trường khó tính như Mỹ, Đức, Pháp, Anh, Italy, Hà Lan, Tây Ban Nha, Nhật
Bản…

Đánh giá về ngành nhựa, ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch VPA cho biết, kim ngạch xuất
khẩu sản phẩm nhựa tăng trưởng đều qua các năm từ 3 tỷ USD trong năm 2018 lên
đến 5,5 tỷ USD trong năm 2022, với mức tăng trưởng trung bình từ 12-20%/năm.
Thống kê tốc độ tăng trưởng ngành nhựa Việt Nam trong 5 năm vừa qua luôn đạt ở
mức hai con số từ 12-15%/năm. Nguồn nguyên liệu trong nước có thể đáp ứng 30%
nhu cầu thị trường nội địa, còn lại 70% được nhập khẩu từ nhiều quốc gia và vùng
lãnh thổ.

Chủ tịch VPA chỉ ra, tốc độ tăng trưởng của ngành nhựa Việt Nam đang chậm lại kể
từ cuối năm 2022 đến nay do ảnh hưởng từ tác động của đại dịch Covid-19 nói
riêng và tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu nói chung. Hiện tại ở các thị
trường lớn của sản phẩm nhựa Việt Nam có dấu hiệu giảm lượng tồn kho, theo đó
VPA kỳ vọng trong tháng cuối năm 2023 tiêu thụ sản phẩm nhựa sẽ có nhiều khởi
sắc, các doanh nghiệp sẽ có nhiều hơn các đơn hàng. Đồng thời, đầu ra nội địa
cũng như quốc tế cũng được kỳ vọng có tiến triển tích cực ở năm 2024.

Tuy nhiên, dù có sự phát triển mạnh trong những năm gần đây nhưng ngành nhựa
Việt Nam chủ yếu vẫn chỉ được biết đến như là một ngành kinh tế kỹ thuật về gia
công chất dẻo, trong khi đó lại không chủ động được hoàn toàn nguồn nguyên liệu
đầu vào cho hoạt động sản xuất.

Hiện nay mỗi năm ngành nhựa cần khoảng 4.5-5 triệu tấn các loại nguyên liệu đầu
vào như PE, PP, PS, PVC… chưa kể hàng trăm loại hoá chất phụ trợ khác nhau,
trong khi khả năng trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng gần 1 triệu tấn nguyên
liệu và hóa chất, phụ gia cho nhu cầu của ngành Nhựa Việt Nam.

Chi phí cho nguyên liệu chiếm tỉ trọng cao nhất trong cơ cấu chi phí của ngành
nhựa. Tuy nhiên các công ty nhựa Việt Nam không thể chủ động nguồn cung cấp
trong nước, phải nhập khẩu đến 70% nguyên liệu đầu vào. Tình trạng này dẫn đến
việc các công ty nhựa phải duy trì tồn kho nguyên liệu lớn để đảm bảo hoạt động
sản xuất kinh doanh không bị gián đoạn. Kéo theo đó là chi phí tài chính gia
tăng, cộng thêm rủi ro về thay đổi tỷ giá và giá dầu thế giới. Hạn chế này là
đặc điểm chung của cả ngành nhựa Việt Nam và khó có thể thay đổi trong vài năm
tới.

Nỗ lực “xanh hóa” để phát triển bền vững

VPA nhận định, với xu hướng chung của thế giới về phát triển kinh tế tuần hoàn
cũng như tại Việt Nam, Chính phủ đang xây dựng ngành công nghiệp tái chế nhựa
trong nước để tạo nguồn cung nguyên liệu nhựa tái sinh. Điều đó sẽ góp phần gia
tăng đầu tư máy móc công nghệ mới phục vụ nhu cầu thị trường, tạo cơ hội cho các
nhà cung ứng thiết bị máy móc và nguyên vật liệu mới trong tương lai.

Đánh giá theo xu hướng trong giai đoạn 2023 – 2028, ông Hồ Đức Lam nêu, ngành
nhựa Việt Nam cũng như thế giới dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng sản xuất và tiêu
thụ nhựa trong tương lai, do nhu cầu sử dụng nhựa trong nhiều lĩnh vực như đóng
gói, ô tô, điện tử, y tế và nông nghiệp vẫn đang tăng lên.

Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm môi trường đang ngày càng trầm trọng, ngành nhựa
Việt Nam và thế giới sẽ hướng đến chuyển sang sản xuất các sản phẩm thân thiện
với môi trường như nhựa tái chế, nhựa sinh học. Theo đó cần tăng cường đầu tư
vào nghiên cứu và phát triển công nghệ mới nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao
nhưng tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu và giảm thiểu ảnh hưởng xấu đến môi
trường.

“Do cạnh tranh trong ngành ngày càng khốc liệt nên các doanh nghiệp cần nỗ lực
để tăng năng suất và cải thiện chất lượng nhưng giảm thiểu chi phí sản xuất để
có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế”- ông Hồ Đức Lam nêu giải pháp.

Nắm bắt xu thế trên, đơn cử như Công ty CP Nhựa tái chế Duy Tân (DUYTAN
Recycling) đã đầu tư xây dựng nhà máy nhựa tái chế có tổng công suất 100.000
tấn/năm, với dây chuyền sản xuất hiện đại nhập khẩu mới từ châu Âu. Tính đến
thời điểm này, đây là nhà máy đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng công nghệ tái chế
“Bottle to Bottle” – mỗi chai nhựa đã qua sử dụng sẽ được tái chế thành các hạt
nhựa tạo ra một vòng lặp chai nhựa mới giúp giảm sử dụng nguồn nguyên liệu hóa
thạch.

Liên quan đến sản xuất xanh, ông Lê Anh, Giám đốc Phát triển bền vững của DUYTAN
Recycling cho hay, xu thế bao bì đúng hiện nay xoay quanh 3 cụm từ tiết chế, tái
sử dụng và sử dụng được nhiều lần, nên sử dụng nhựa và sản phẩm tái chế sẽ giúp
nền kinh tế tuần hoàn được áp dụng, cũng như nhân rộng hơn. Vì vậy, giải pháp ưu
tiên phát triển bao bì của nhà sản xuất hiện nay chính là sử dụng chất liệu tái
chế với thiết kế thân thiện với môi trường.

Tương tự, hòa trong dòng chảy hội nhập thị trường thương mại tự do và nền kinh
tế tuần hoàn, sản xuất xanh… không ít đơn vị hoạt động trong ngành nhựa và những
ngành liên quan đã xác định phát triển bền vững là kim chỉ nam trong mọi hoạt
động vận hành doanh nghiệp. Những đơn vị này, vừa tập trung đầu tư xây dựng nhà
máy tái chế, vừa tích cực tham gia đóng góp sáng kiến liên quan đến “con đường
sản xuất xanh”.

Do đó, trên thị trường Việt Nam đã xuất hiện ngày càng nhiều sản phẩm sử dụng
nhựa tái chế, hay nói cách khác là được tái sinh vòng đời trong sản xuất kinh
doanh, tiêu dùng… là những tín hiệu đáng khích lệ về xử lý rác thải nhựa nói
riêng và chuyển đổi sản xuất xanh trong cộng đồng doanh nghiệp nói chung.

Cuối cùng là Chính phủ Việt Nam sẽ đưa ra các chính sách hỗ trợ cho ngành nhựa
nhằm thúc đẩy sản xuất, đầu tư và xuất khẩu, đồng thời hướng dẫn các doanh
nghiệp thực hiện quy định về môi trường và bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng.

Các chuyên gia cũng nhận định trong tương lai gần, nhu cầu ngày càng tăng từ
ngành xây dựng dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng thị trường nhựa. Phân khúc nhựa
xây dựng hiện đang chiếm 1/4 thị phần ngành nhựa trong nước. Các dự án phát
triển cơ sở hạ tầng, cùng số lượng ngày càng nhiều nhà máy được lắp đặt mới đang
làm gia tăng mạnh nhu cầu về nhựa xây dựng và nhựa kỹ thuật trong nước. Ngành
công nghiệp nhựa Việt Nam trong quá trình chuyển dịch sang nền công nghiệp nhựa
tái chế văn minh, tiếp cận được những công nghệ tiên tiến nhất, điều này sẽ giúp
doanh nghiệp tiếp cận nhanh với các công nghệ xanh trên thế giới.

Theo Báo Công Thương

Posted in BlogLeave a Comment on “Xanh hoá” ngành nhựa để tăng lợi thế cạnh
tranh


XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN CỦA NGÀNH NHỰA THẾ GIỚI TRONG 5 NĂM TỚI

Posted on 29/02/202401/03/2024 by admin

Thuận lợi, thách thức đan xen

Ngày 25/10, Hiệp hội Nhựa Việt Nam đã tổ chức Đại hội nhiệm kỳ VII (2023-2028)
để tổng kết 5 năm hoạt động của nhiệm kỳ VI và bầu ra Ban chấp hành nhiệm kỳ
VII, cũng như đề ra phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ mới.

Thông tin tại Đại hội Hiệp hội Nhựa Việt Nam – Nhiệm kỳ VII, ông Hồ Đức Lam, Chủ
tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam- cho biết: Trong 5 năm tới, ngành nhựa thế giới và
Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều thách thức nhưng cũng có nhiều cơ hội để phát
triển.

Ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam trình bày phương hướng phát
triển của Hiệp hội trong nhiệm kỳ VII

Điểm ra những cơ hội và thách thức này, ông Hồ Đức Lam cho biết: Tăng trưởng sản
xuất và tiêu thụ của ngành nhựa thế giới và Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục tăng
trưởng sản xuất và tiêu thụ nhựa trong tương lai, do nhu cầu sử dụng nhựa trong
nhiều lĩnh vực như đóng gói, ô tô, điện tử, y tế, và nông nghiệp vẫn đang tăng
lên. Bên cạnh đó, xu hướng chuyển đổi sang các sản phẩm thân thiện với môi
trường như nhựa tái chế, nhựa sinh học, nhựa tái sử dụng. Ngoài ra, ngành nhựa
thế giới và Việt Nam sẽ tăng cường đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ
mới về nhựa, nhằm tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, tiết kiệm nguyên liệu
và năng lượng và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Đặc biệt, do cạnh tranh
ngày càng khốc liệt trong ngành, các doanh nghiệp sản xuất nhựa sẽ phải nỗ lực
để tăng năng suất, cải thiện chất lượng sản phẩm, giảm tiêu thụ điện năng và
giảm chi phí sản xuất để cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Theo ông Hồ Đức Lam, kỳ vọng lớn nhất của ngành nhựa Việt Nam hiện nay là những
Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, đặc biệt là Hiệp định
EVFTA. “Sau khi EVFTA đi vào hiệu lực, thuế quan của hầu hết các sản phẩm nhựa
xuất khẩu vào thị trường EU được gỡ bỏ. Đây là một lợi thế lớn để gia tăng sản
lượng sản phẩm nhựa xuất khẩu của ngành nhựa Việt Nam với một thị trường quan
trọng là EU”– ông Lam nhận định.

Thêm vào đó, cung cầu các loại nguyên liệu nhựa trên thế giới đã bắt đầu bước
vào giai đoạn cân bằng và giá các loại nguyên liệu hóa thạch được dự báo sẽ ổn
định hơn. Bên cạnh triển vọng tăng trưởng, ngành nhựa Việt Nam được kỳ vọng sẽ
bớt phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu trong những năm tới nhờ cải thiện trong
năng lực sản xuất nguyên liệu nhựa trong nước.

“Nhà máy hóa dầu Long Sơn, Nhà máy hóa dầu Dung Quất, Nhà máy hóa dầu SCG và Nhà
máy sản xuất nhựa Hyosung là các nhà máy cung cấp nguyên liệu đáp ứng hơn 30%
nhu cầu nguyên liệu trong nước hiện nay, tỷ lệ nhập khẩu nguyên liệu nhựa của
Việt Nam sẽ giảm xuống ở mức khoảng 65 – 70%”– ông Lam thông tin thêm.

Dư địa phát triển của ngành nhựa vẫn còn lớn. Ảnh minh họa

Tận dụng cơ hội ra sao?

Trước những thuận lợi và thách thức trên, Chính phủ sẽ đưa ra các chính sách hỗ
trợ cho ngành nhựa nhằm thúc đẩy sản xuất, đầu tư và xuất khẩu; đồng thời hướng
dẫn các doanh nghiệp sản xuất nhựa thực hiện các quy định về môi trường và bảo
vệ sức khỏe người tiêu dùng, xây dựng các tiêu chuẩn sản phẩm ngành nhựa để bảo
vệ nhà sản xuất Việt Nam và người tiêu dùng.

Về phía Hiệp hội luôn theo dõi và tiếp cận sâu sát hơn các chính sách EPR (phí
trách nhiệm mở rộng nhà sản xuất) để tiếp cận những diễn biến, thay đổi về các
chính sách, mức phí nhằm giúp cho doanh nghiệp hội viên chủ động hơn trong các
hoạt động sản xuất, kinh doanh. “Chúng tôi sẽ xây dựng chiến lược phát triển cho
ngành nhựa giai đoạn 2023 – 2030 để giúp các doanh nghiệp có định hướng phát
triển ngành và đầu tư bài bản; xây dựng kho dữ liệu ngành phục vụ hội viên, toàn
ngành và đối tác trong và ngoài nước; xây dựng và triển khai các chương trình
xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để các doanh nghiệp có cơ hội giao lưu
và quảng bá sản phẩm đến các quốc gia trên thế giới”- ông Lam chia sẻ.

Cùng với hỗ trợ về chính sách, theo ông Hồ Đức Lam, trong bối cảnh nền kinh tế
hội nhập toàn cầu hiện nay và định hướng tế tuần hoàn, các doanh nghiệp hoạt
động trong ngành nhựa cần có sự đầu tư nghiêm túc về công nghệ, thiết bị máy
móc, đẩy mạnh các sản phẩm có giá trị gia tăng cao và có sự phát triển trong
tương lai. Ngoài ra, cần chuẩn bị kỹ càng đón đầu cơ hội, đa dạng mẫu mã, nâng
cao chất lượng sản phẩm.

Ngành nhựa hiện có gần 4.000 doanh nghiệp trên cả nước, trong đó 90% là doanh
nghiệp nhỏ và vừa, tập trung chủ yếu tại khu vực phía Nam.Trong 5 năm qua, tốc
độ tăng trưởng ngành nhựa luôn đạt mức 2 con số, từ 12-15%/ năm. Đến nay, Việt
Nam có thể sản xuất được các loại nguyên liệu như: PVC, PP, PET, PS, PE, với
tổng công suất gần 3 triệu tấn/ năm.Tổng doanh thu ngành nhựa đã đạt trên 25 tỷ
USD, trong đó xuất khẩu chiếm 22%. Các doanh nghiệp nhựa Việt Nam có thể sản
xuất đầy đủ các chủng loại sản phẩm nhựa phục vụ cho tiêu dùng nội địa và xuất
khẩu. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa tăng trưởng đều qua các năm
từ 3 tỷ USD trong năm 2018 lên đến 5,5 tỷ USD trong năm 2022, với mức tăng
trưởng trung bình từ 12-20%.Đến nay, sản phẩm nhựa Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn
160 quốc gia trên thế giới và có mặt khắp các thị trường khó tính như: Mỹ, Đức,
Pháp, Anh, Ý, Hà Lan, Tây Ban Nha, cộng đồng các quốc gia châu Âu, Nhật, Úc…

Thùy Dương

Posted in Blog1 bình luận ở Xu hướng phát triển của ngành nhựa thế giới trong 5
năm tới
Proudly powered by WordPress | Theme: sohatrading by Underscores.me.